Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tuy nhiên, ngày Chúa Nhật 1 tháng Chín vừa qua, ngài đã không xuất hiện như thường lệ. Mãi 7 phút sau đó, mọi người mới thấy ngài xuất hiện. Đức Thánh Cha giải thích về sự chậm trễ này như sau:
"Tôi phải xin lỗi vì sự chậm trễ này, nhưng có một chuyện bất ngờ. Tôi đã bị kẹt trong thang máy đến 25 phút! Điện áp sụt giảm đột ngột và thang máy dừng lại. Tạ ơn Chúa, lính cứu hỏa đã đến giải cứu – cám ơn anh em rất nhiều! - và sau 25 phút làm việc, họ đã xoay sở để thang máy chạy trở lại. Chúng ta hãy cho đội cứu hỏa nghe một tràng pháo tay!"
Trong các buổi đọc Kinh chung với các tín hữu và khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha thường đọc một đoạn suy tư ngắn liên quan đến bài Tin Mừng trong ngày. Đôi khi ngài cũng trình bày một vấn đề thời sự vừa diễn ra để kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi các biến cố. Sau đó, ngài cùng đọc Kinh Truyền Tin, hoặc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng nếu ngày Chúa Nhật đó thuộc về mùa Phục sinh.
Trong bài suy niệm trưa Chúa Nhật ngày 1 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu luôn chỉ cho chúng ta con đường khiêm hạ, và nhắc nhở chúng ta phải học sống khiêm nhường!
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 22 Mùa Thường Niên hôm nay, Chúa Giêsu tham dự một bữa tiệc tại nhà của một trong những người Pharisêu nổi tiếng, và Ngài nhận thấy mọi người tranh nhau tìm cách chiếm chỗ nhất trong bàn tiệc.
Vì vậy, Chúa Giêsu chia sẻ hai câu chuyện ngụ ngôn về những người ganh đua với nhau để chiếm chỗ tốt nhất, đó là một thái độ khá phổ biến vào thời Chúa Giêsu, và ngay cả trong thời đại của chúng ta.
Không chỉ khi chúng ta được mời dự tiệc, nhưng thông thường, trong mọi việc chúng ta thường tìm kiếm vị thế quan trọng nhất để khẳng định sự vượt trội được giả định của mình so với những người khác. Thực tế cho thấy những cuộc đua này là lý do đầu tiên làm tổn thương cộng đồng, cả cộng đồng dân sự và cộng đồng giáo hội, vì nó hủy hoại tình huynh đệ.
Dụ ngôn đầu tiên Chúa Giêsu đề cập đến các vị khách có khuynh hướng chiếm vị trí tốt nhất. Chúa Giêsu cảnh báo không nên làm như vậy, bởi vì một vị khách nổi tiếng hơn có thể đến sau ta, và khi đó tình huống này dẫn ta đến một khoảnh khắc xấu hổ khi phải di chuyển đến chỗ rốt hết.
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có thái độ ngược lại. Theo Đức Thánh Cha, chúng ta không nên tìm kiếm sự chú ý và đánh giá của người khác theo sáng kiến của mình, mà nên để những người khác tự nguyện trao những điều ấy cho chúng ta.
Đức Phanxicô cũng lưu ý rằng trong dụ ngôn thứ hai, Chúa Giêsu đề cập đến những người chủ nhà và khuyên bảo họ hãy mời những người không thể trả ơn, như người nghèo, người què, người tàn tật, và đui mù.
Trong dụ ngôn này cũng vậy, Chúa Giêsu đi ngược lại hoàn toàn với trào lưu thường thấy ở đời, khi cao rao luận lý của Thiên Chúa.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, chìa khóa để diễn giải bài học của Chúa Giêsu là thế này: những người hành xử theo cách này sẽ được Chúa ban cho những phần thưởng thiêng liêng, vượt trội hơn nhiều so với những gì thế gian có thể trao cho chúng ta.
Khi làm một điều gì đó cho tha nhân chỉ vì bánh ít trao đi, bánh quy trao lại thì không phải là Kitô hữu. Trên thực tế, luận lý này giản lược các mối quan hệ thành các giao dịch thương mại.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có lòng quảng đại vị tha, để mở đường cho một niềm vui lớn hơn nhiều, niềm vui được tham gia vào chính tình yêu của Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta, tất cả chúng ta, trong bữa tiệc trên trời.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng:
“Khiêm nhường và quảng đại mới là thái độ phải có của các tín hữu Kitô.”
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ tuyên bố một Công Nghị tấn phong Hồng Y sẽ được tổ chức vào ngày 5 tháng 10. Khi công bố danh sách 10 vị Tân Hồng Y, Đức Thánh Cha nói rằng xuất xứ của các Tân Hồng Y thể hiện ơn gọi truyền giáo của Giáo hội là tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người trên trái đất.
Danh sách các Tân Hồng Y được tấn phong kỳ này là:
1. Đức Cha Miguel Angel Ayuso Guixot, mccj - Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.
2. Đức Tổng Giám Mục Jose Tolentino Medonça - Thủ thư của Hội Thánh Công Giáo.
3. Đức Tổng Giám Mục Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo - Tổng Giám mục Jakarta
4. Đức Tổng Giám Mục Juan de la Caridad García Rodríguez - Tổng Giám mục San Cristóbal, Havana, Cuba.
5. Đức Tổng Giám Mục Fridolin Ambongo Besungu, o.f.m. cap - Tổng giám mục Kinshasa
6. Đức Tổng Giám Mục Jean-Claude Höllerich, sj - Tổng Giám mục của Luxembourg
7. Đức Giám Mục Alvaro L. Ramazzini Imeri - Giám mục di Huehuetenamgo
8. Đức Tổng Giám Mục Matteo Zuppi - Tổng Giám mục Bologna.
9. Đức Tổng Giám Mục Cristóbal López Romero, sdb - Tổng Giám mục Rabat
10. Cha Michael Czerny, sj – Phó Tổng Thư Ký Phân bộ Người di cư và tị nạn của Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản
Cùng với các vị Tân Hồng Y đang tại chức này, Đức Thánh Cha cũng tấn phong Hồng Y cho hai Tổng giám mục và một Giám mục về hưu đã phục vụ Giáo hội một cách nổi bật:
1. Đức Tổng Giám Mục Michael Louis Fitzgerald - Tổng Giám mục Hiệu Tòa của Nepte
2. Đức Tổng Giám Mục Sigitas Tamkevicius, sj - Tổng Giám mục Hiệu Tòa của Kaunas
3. Đức Giám Mục Eugenio Dal Corso, psdp - Giám mục Hiệu Tòa của Benguela
Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho các vị Tân Hồng Y. Ngài nói:
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Tân Hồng Y để khi củng cố sự gắn bó của các ngài với Chúa Kitô, họ có thể giúp đỡ tôi trong sứ vụ Giám mục Rôma vì lợi ích của tất cả các tín hữu Dân Thánh của Thiên Chúa.”
Source:Vatican News