Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez. (ảnh: Daniel Ibanez/CNA / CNA)


Edward Pentin của National Catholic Register, ngày 16 tháng 1 năm 2025, cho hay: Vatican vốn nhấn mạnh rằng trí khôn nhân tạo phải nâng cao phẩm giá con người thay vì làm suy yếu nó, và những tiến bộ kỹ thuậtphải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc ưu tiên phúc lợi của con người hơn lợi nhuận.

Hiện nay, Bộ Giáo lý Đức tin đang chuẩn bị các tài liệu về nhiều chủ đề khác nhau, bắt đầu bằng một tài liệu về trí khôn nhân tạo (AI) được viết với sự hợp tác của Bộ Giáo dục và Văn hóa.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã nói với tờ Register vào ngày 15 tháng 1 rằng tài liệu về trí khôn nhân tạo sẽ được công bố "vào cuối tháng".

Ngài cũng cho biết nhiều "công trình khác đang được tiến hành" mà ngài tiết lộ sẽ là "về giá trị của chế độ một vợ một chồng, chế độ nô lệ trong lịch sử và nhiều hình thức nô lệ khác nhau ngày nay, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, một số câu hỏi về Thánh mẫu học, v.v."

Tin tức về tài liệu trí khôn nhân tạo xuất hiện sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến Hồng Y Fernández trong buổi tiếp kiến riêng vào thứ Ba, cùng với Hồng Y José Tolentino de Mendonça, Tổng trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa, và các thư ký của cả hai bộ. Có khả năng tài liệu đã được ký trong buổi tiếp kiến đó.

Trong gần một thập niên, Vatican đã tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận và sáng kiến liên quan đến trí khôn nhân tạo, nhấn mạnh các xem xét về đạo đức và tầm quan trọng của phẩm giá con người trong tiến bộ kỹ thuật.

Trí khôn nhân tạo gây ra nhiều rủi ro và nguy hiểm có thể tác động đáng kể đến xã hội, an ninh và quyền cá nhân. Ví dụ, một số tác nhân đã sử dụng nó để phát tán thông tin và hình ảnh sai lệch, và nó cũng có thể duy trì các thành kiến hiện có bắt nguồn từ việc sử dụng internet, dẫn đến kết quả phân biệt đối xử. trí khôn nhân tạo cũng đe dọa an ninh khi được sử dụng trong các hệ thống vũ khí và việc lạm dụng kỹ thuật này có thể làm giảm khả năng sáng tạo và khả năng nhận thức thiết yếu của con người theo thời gian.

Vatican bắt đầu tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà đạo đức học và các nhà lãnh đạo kỹ thuật vào năm 2016 để thảo luận về những tác động của AI nhằm giải quyết các khía cạnh đạo đức của các kỹ thuật mới xuất hiện.

Vào tháng 2 năm 2020, Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã hợp tác với các công ty kỹ thuật lớn như IBM và Microsoft trong một tài liệu có tên là “Lời kêu gọi của Rome về Đạo đức trí khôn nhân tạo”. Văn bản này thúc đẩy “đạo đức thuật toán”, nhấn mạnh “tính minh bạch, bao gồm, trách nhiệm, công bằng, độ tin cậy, bảo mật và quyền riêng tư” trong các kỹ thuật trí khôn nhân tạo, nhằm thúc đẩy sự hợp tác ở cả bình diện quốc gia và quốc tế để đảm bảo rằng trí khôn nhân tạo phục vụ nhân loại hợp đạo đức.

Bộ Giáo dục và Văn hóa cũng đã cân nhắc về vấn đề này, xuất bản vào tháng 7 năm 2023 phần giới thiệu về sổ tay đạo đức dài 140 trang dành cho ngành kỹ thuật do Viện Kỹ thuật, Đạo đức và Văn hóa tại Đại học Santa Clara của California xuất bản.

Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng đã dành Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của mình cho chủ đề “Trí khôn nhân tạo và Hòa bình”. Văn bản này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc mở rộng sự phản ảnh về mặt đạo đức vào giáo dục và luật pháp để đảm bảo rằng trí khôn nhân tạo đóng góp tích cực cho công lý và hòa bình.

Nhìn chung, Vatican đã nhấn mạnh rằng trí khôn nhân tạo phải nâng cao phẩm giá con người thay vì làm suy yếu nó, và những tiến bộ kỹ thuật phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc ưu tiên phúc lợi của con người hơn lợi nhuận.

Một số nhà bình luận đã nêu bật những lo ngại về tính thực tế và khả năng thực thi của cách tiếp cận của Vatican. Tuy nhiên, Vatican đã có những bước đi để thực hiện giáo lý của riêng mình về trí khôn nhân tạo trong Thành phố Vatican khi sắc lệnh đầu tiên của họ quy định về việc sử dụng trí khôn nhân tạo có hiệu lực vào đầu tháng này.

Luật mới cấm việc sử dụng trí khôn nhân tạo có tính phân biệt đối xử và thành lập một ủy ban đặc biệt để giám sát “thử nghiệm” kỹ thuật mới tại Vatican. Các quy định mới áp dụng cho các tổ chức nhà nước của Vatican nhưng không áp dụng cho toàn bộ Giáo triều La Mã.

Các tài liệu dự kiến khác

Về các tài liệu sắp tới khác, liên quan đến chế độ nô lệ, Hồng Y Fernández đã từng sử dụng Sắc chỉ Dum diversas năm 1452 của Giáo hoàng Nicholas V — trong đó dung thứ cho chế độ nô lệ — để lập luận cho lập trường của mình rằng sự hiểu biết của Giáo hội về phẩm giá con người đã phát triển theo thời gian và nói chung, học thuyết và giáo huấn của Giáo hội có thể phát triển.

Bất cứ tài liệu nào về chế độ nô lệ hiện đại đều được kỳ vọng sẽ đề cập đến một loạt các hoạt động khai thác đương thời, trong đó các cá nhân bị người khác kiểm soát vì lợi nhuận, thường thông qua cưỡng bức hoặc lừa dối. Những hoạt động này bao gồm buôn người, lao động cưỡng bức và nô lệ trẻ em.

Về vấn đề đơn hôn, sau khi Fiducia Supplicans được công bố vào năm 2023, cho phép ban phước lành không theo phụng vụ cho các cặp đôi đồng tính, Hồng Y Fernández đã nhắc lại niềm tin của mình rằng hôn nhân là "sự kết hợp độc quyền, ổn định và không thể tách rời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, vốn tự nhiên mở ra cho việc sinh sản con cái”. Bình luận của ngài được đưa ra sau khi có nhiều lời chỉ trích về Fiducia Supplicans, trong đó có những lo ngại cho rằng nó làm suy yếu giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và quan hệ tình dục.

Vấn đề phụ nữ trong Giáo hội có thể liên quan đến nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm mở rộng vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội. Là một phần của những nỗ lực đó, Đức Phanxicô đã gây tranh cãi khi cho phép phụ nữ bỏ phiếu lần đầu tiên tại Thượng hội đồng giám mục và bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên làm bộ trưởng một thánh bộ của Vatican.

Không rõ các câu hỏi về Thánh Mẫu Học sẽ bao gồm những gì, nhưng nó sẽ diễn ra sau khi Bộ Giáo lý Đức tin công bố tài liệu có tên là “Các tiêu chuẩn để tiến hành trong việc phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên” vào năm ngoái, trong đó đưa ra các hướng dẫn mới về các lần Đức Mẹ hiện ra và cách phân định chúng.