Huấn đạo theo Thánh Kinh
Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ
Chương 8. Loạt bài Động lực học Linh hồn, Phần A
8.1. Linh hồn sống động
Viễn ảnh
(St. 2:7; Ga 6:63; Rm. 8:16; Dt. 4:12) Vì linh hồn và tinh thần có thể được phân chia nên chúng phải khác nhau về bản chất. Khi Thiên Chúa hà hơi vào trong con người, hơi thở sự sống trở thành tinh thần của con người, tức là nguyên tắc sống bên trong con người. Khi tinh thần này tiếp xúc với cơ thể, linh hồn được tạo ra. Vì vậy, linh hồn là sự kết hợp giữa thể xác và tinh thần của con người. Từ đó, con người được gọi là 'linh hồn sống động'.
Con người được chỉ danh là một linh hồn sống động, vì ở đó tinh thần và thể xác gặp nhau và qua đó cá tính của con người được biết đến. Linh hồn con người đại diện cho con người và phát biểu cá tính của con người. Đó là cơ quan ý chí tự do của con người mà nhờ đó con người chọn đi theo Thiên Chúa hoặc một nguồn nào khác để hướng dẫn và định hướng cuộc sống, mục tiêu và mục đích của mình.
Hy vọng
(1 Cr. 15:44,45; Lc. 1:46-47; Ga. 6:13) Ađam đầu tiên, một linh hồn sống động, sống qua thân xác, và thân thể mang lại cho chúng ta ý thức về thế giới. Linh hồn là nơi của nhân cách vì đó là nơi tinh thần và thể xác hợp nhất. Linh hồn thuộc về bản ngã con người và bộc lộ nhân cách cũng như phần tự ý thức của con người. Tinh thần là phần mà qua đó chúng ta giao tiếp với Thiên Chúa, qua đó chúng ta hiểu biết và thờ phượng Người. Tinh thần này được gọi là yếu tố ý thức về Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa ngự trong tinh thần, bản ngã cư ngụ trong linh hồn, còn các giác quan cư ngụ trong thân xác.
Linh hồn truyền tư tưởng của nó đến linh hồn, và linh hồn rèn luyện thân thể tuân theo mệnh lệnh của tinh thần. Vì linh hồn nằm giữa tinh thần và thể xác nên nó là phương tiện để tinh thần hoặc thể xác quyết định tính cách của nó. Trước khi con người sa ngã, tinh thần kiểm soát toàn bộ con người thông qua linh hồn. Chính ý chí trong linh hồn quyết định liệu tinh thần, thể xác hay thậm chí chính nó sẽ cai trị. Như vậy, linh hồn là cơ quan của cá tính con người và là lý do Kinh thánh gọi con người là 'linh hồn sống động'.
(1 Cr. 3:16; 1 Tx. 5:23) Trước đây Thiên Chúa ngự trong đền thờ, cũng như Chúa Thánh Thần ngự trong con người ngày nay. Như trong đền thờ, Thiên Chúa hiện diện trong Nơi Chí Thánh và Ánh sáng của Người chiếu soi Nơi Thánh – tức linh hồn con người. Linh hồn chỉ đạo cơ thể, nơi bên ngoài. Trước khi sa ngã, lời Thiên Chúa, Ánh sáng, được liên kết trực tiếp với tinh thần con người. Trước khi sa ngã, linh hồn bị tinh thần chi phối. Đây là trật tự mà Thiên Chúa vẫn mong muốn: đầu tiên là tinh thần, sau đó là linh hồn và cuối cùng là thể xác.
(Tv. 51:10; 1 Cr. 2:11; Mc. 2:8; Ga. 4:23) Tinh thần con người không y hệt như linh hồn và cũng không y hệt Chúa Thánh Thần. Tinh thần con người có ba chức năng: lương tâm, trực giác và hiệp thông. Lương tâm là cơ quan phân biệt đúng sai, không phải bằng ảnh hưởng của kiến thức lưu trữ trong tâm trí mà bằng sự phán đoán trực tiếp tự phát. Trực giác là cơ quan cảm thức của tinh thần con người. Chúng ta thực sự “biết” qua trực giác của mình; tâm trí của chúng ta thực sự giúp chúng ta 'hiểu' thông qua phương tiện tưởng tượng của chúng ta. Các mặc khải của Thiên Chúa và mọi chuyển động của Chúa Thánh Thần đều được tín hữu biết đến qua trực giác của họ. Hiệp thông là thờ phượng Thiên Chúa. Sự thờ phượng của chúng ta đối với Thiên Chúa và sự thông đạt của Thiên Chúa với chúng ta trực tiếp ở trong tinh thần - 'con người bên trong' - chứ không phải ở trong linh hồn.
Thay đổi
Lv. 11:44; Lv. 17:11; 1 Sb 22:19; Cn 19:2; Lc. 1:46; Mt 16:26; Lc. 9:25; 1 Cr. 15:44; Dt. 4:12) Linh hồn bao gồm tâm trí, trí hiểu, trí nhớ, cảm xúc và ý chí. Linh hồn là sự sống của con người, sự sống tự nhiên của con người. Cuộc sống của cơ thể hiện tại của chúng ta là cuộc sống của linh hồn. Linh hồn là cơ quan của ý chí và sự sống tự nhiên. Vì vậy, với tư cách là con người, chúng ta quyết định mình sẽ trở thành loại Kitô hữu nào, thuộc tinh thần hay thuộc linh hồn. Trước khi được tái sinh, bất cứ điều gì có trong cuộc sống – dù là bản ngã, sự sống, sức mạnh, quyền lực, sự lựa chọn, suy nghĩ, quan điểm, cảm giác yêu thương – đều thuộc về linh hồn. Cuộc sống linh hồn là cuộc sống mà con người thừa hưởng khi sinh ra. Tất cả những gì cuộc sống này sở hữu và tất cả những gì nó có thể trở thành đều nằm trong lĩnh vực của linh hồn. Vì vậy, nếu chúng ta có thể nhận biết rõ ràng thế nào là thuộc linh hồn thì việc nhận biết thuộc tinh hần là thế nào sẽ dễ dàng hơn.
(St. 1:24-26; St. 2:7; Edk 36:26-27) Tinh thần của chúng ta phát xuất trực tiếp từ Thiên Chúa, nó được Thiên Chúa ban cho. Linh hồn của chúng ta không có nguồn gốc trực tiếp như vậy; nó được tạo ra sau khi tinh thần nhập vào cơ thể. Thiên Chúa ban cho con người chủ quyền và những ân phúc cho linh hồn con người. Suy nghĩ, ý chí, trí hiểu và ý định là một trong những phần nổi bật. Mục đích ban đầu của Thiên Chúa là linh hồn con người phải tiếp nhận và tiếp thu chân lý và bản chất của đời sống thiêng liêng của Thiên Chúa bằng một hành động tự nguyện. Con người được lựa chọn giữa hai cây: một cây nảy mầm đời sống tinh thần; cây kia phát triển sự sống linh hồn.
(St. 3:1-6; St. 3:12-13 1 Tm. 2:14; 1 Pr. 2:24; 1 Cr. 3:18-20) Evà, khi cố gắng trả lời Satan, đã thực thi sự bất tuân của tâm trí đối với tinh thần. Satan trước tiên đã kích động tư tưởng thuộc linh hồn của bà, sau đó tiến tới chiếm đoạt ý chí của bà. Rèn luyện linh hồn liên quan đến cơ thể sinh ra những ham muốn và cảm xúc liên hệ. Trí hiểu là nguyên nhân chính của sự sa ngã, hoạt động của tâm trí. Như thế, hãy trở nên ngu dại để được khôn ngoan (Cn. 3:5-6).
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)
(Các) câu Kinh thánh để nhớ: Cl. 3:1-3
Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: Eph. 4:22-32.
Cởi bỏ/Mặc vào:
Nghiên cứu Tv. 119. Với mỗi bộ 8 câu, hãy tóm tắt và suy gẫm về một nguyên tắc áp dụng cho mỗi bộ. Hình dung và dừng lại tại các sự thật được mạc khải
- một diễn trình suy niệm. Bạn là một hữu thể thiêng liêng và do đó chỉ sống nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa thông qua Lời Người - hãy yên nghỉ và để Thiên Chúa nói với tinh thần bạn - một diễn trình chiêm niệm. Bởi đức tin, lời nói được xức dầu, và lời nói được xức dầu kết nối điều tự nhiên với điều siêu nhiên: Qua chúng ta, Thiên Chúa thiết lập Vương quốc của Người trên trái đất. Chúng ta là muối và ánh sáng, để soi vào bóng tối sâu thẳm của thế giới này, tức là ánh sáng của Thiên Chúa trong tinh thần chúng ta, soi vào tâm hồn chúng ta qua thân xác đến thế giới.
Xem lại Phần 11.7, “Trung tâm của Linh hồn” để biết thêm những hiểu biết thông suốt.
Tham khảo: Xem [18][Nee1] để đọc thêm. Để có sự hiểu biết toàn diện về tư cách ngôi vị và các nguyên tắc sống mà chúng ta phải áp dụng để tác động đến nền văn hóa của chúng ta, hãy xem [28] [Spitzer1].
8.2. Tội lỗi xác thịt/Bản ngã xác thịt
Viễn ảnh
(Rom. 7:14,17-18; Rom. 6:6,11,14; Rom. 7:14,17-18) 'Tội lỗi' ở đây là sức mạnh của tội lỗi và 'cái tôi' ở đây được thừa nhận là ‘bản ngã’ - linh hồn. Bản ngã cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Chúa Kitô. Con người không bị buộc phải làm bất cứ điều gì. Họ chỉ cần coi đây là một sự kiện đã được thực hiện. Họ gặt hái được hiệu quả từ cái chết của Chúa Giêsu khi được giải thoát hoàn toàn khỏi 'quyền lực của tội lỗi'. Tuy nhiên, bản ngã vẫn còn và chúng ta phải vác thập giá để chối bỏ bản ngã - tàn dư của đời sống cũ vẫn còn đọng lại trong tâm trí, ký ức, tình cảm và ý chí. Để hoàn toàn chiến thắng tội lỗi, tín hữu cần từ bỏ bản ngã (Rm. 6:11), không chỉ trong chốc lát mà là suốt đời. Chỉ trên thập giá, Chúa Giêsu mới gánh lấy tội lỗi của chúng ta; tuy nhiên, trong suốt cuộc đời của Người, Chúa đã 'từ chối' chính Người (lời kêu gọi tự bảo tồn). Điều tương tự cũng phải đúng với chúng ta.
(Gl. 5:17-24) Câu 17 nhấn mạnh đến “bản ngã” (bản chất tội lỗi) xác thịt trong khi câu 24 nhấn mạnh đến “tội lỗi” xác thịt. Như vậy, thập giá của Chúa Kitô xử lý tội lỗi và Chúa Thánh Thần thông qua thập giá xử lý bản ngã. Bản ngã xác thịt - đời sống của cảm xúc, của giác quan - tìm kiếm những mục đích và sự thỏa mãn lấy bản ngã làm trung tâm: cây thiện và ác.
Đây là vấn đề, vùng chiến sự, con người được đặt trên trái đất không phải để đáp ứng nhu cầu của riêng mình mà để phục vụ và hoàn thành mục đích của Thiên Chúa: cây sự sống. Như vậy, Chúa Thánh Thần là quyền năng nơi con người để vượt thắng sự lôi kéo của giác quan, ký ức và cảm xúc cám dỗ, để nói ‘không’ với đường lối cũ và nói ‘có’ với Thiên Chúa, đường lối mới. Họ được phép làm những gì lời Chúa bảo phải làm bất kể mọi cảm giác ngược lại. Vì vậy, tội lỗi được xử lý một lần và mãi mãi tại thập giá. Công việc của chúng ta không phải là trực tiếp giải quyết tội lỗi mà là giải quyết những nhục dục quá mức và những hình ảnh hư hỏng thường theo sau đó. Đây là cuộc chiến: giữ cho những suy nghĩ, ký ức, lý luận và trí tưởng tượng của chúng ta trong sạch và thánh thiện. Ở đây chúng ta "chiến đấu trong cuộc chiến tốt đẹp của đức tin". Thành thử, hãy ý thức rằng lý trí biết nhờ khả năng tưởng tượng; cảm tình cảm nhận bởi khả năng cảm thụ. Cả hai năng lực này đều phải được giám sát và giới hạn: phải luôn cảnh giác, bảo đảm để chúng được tôi luyện và thi hành có chừng mực để giữa được trong sạch và thánh thiện.
(Lc. 9:23-24; Rm. 8:5-8) Chúa Kitô hoàn toàn giải thoát tín hữu khỏi quyền lực của tội lỗi qua thập giá, để tội lỗi không thể thống trị nữa. Bởi Chúa Thánh Thần ngự trong người tín hữu, Chúa Kitô giúp họ vượt qua chính mình hàng ngày và vâng phục Người một cách hoàn hảo. Sự giải thoát khỏi tội lỗi là một sự kiện đã thành tựu; phủ nhận bản ngã là một trải nghiệm hàng ngày.
(Cv. 9:17-18; Rm. 7:15-24; 1 Cr. 3:1-3; Gcb. 1:2-4; 1 Pr. 4:12-13)
Sự tái sinh theo Kinh Thánh là sự ra đời trong đó phần sâu kín nhất của hữu thể con người, tinh thần ẩn sâu trong con người, được Thánh Thần Thiên Chúa đổi mới và cư ngụ. Chúng ta cần tiến bộ từ sự hiểu biết trí thức sự thật của Thiên Chúa đến việc nó được Chúa Thánh Thần mạc khải trong con người bề trong của chúng ta: nhận ra rằng mọi tín hữu sẽ được đầy dẫy Chúa Thánh Thần vào thời điểm tin và chịu phép rửa. Cần có thời gian để sức mạnh của sự sống mới này có thể vươn ra bên ngoài, từ trung tâm hữu thể chúng ta ra ngoài chu vi. Các tín hữu mới vẫn bước đi trong vương quốc cảm giới vô trật tự tự và trí tưởng tượng viển vông. Cần có những thử nghiệm và thử thách để phát hiện và bộc lộ cũng như xác định những khía cạnh xác thịt của những khả năng này. Tất cả những điều này phải được tinh luyện bằng lửa để đưa con người vào cõi tâm linh.
Thay đổi
(Rm. 6:7; Gt 5:17-24) Chúng ta trở nên xác thịt bằng cách được sinh ra từ xác thịt. Cách duy nhất để thoát khỏi nó là xác thịt phải chết đi. Xác thịt không bị chinh phục, nó phải chết đi. Thịt, rễ của cây, phải bị xử tử. Trong Chúa Kitô, tín hữu được giải thoát khỏi sự cai trị của xác thịt. Nhờ thập giá, họ có thể bước đi theo Chúa Thánh Thần chứ không còn theo xác thịt nữa. Vì vậy, đừng nhìn vào những trải nghiệm của bạn, những khuôn mẫu tội lỗi và những phản ứng tội lỗi vẫn tiếp diễn, nhưng lời nói đó nói rằng bạn “đã bị đóng đinh với Chúa Kitô”. Đừng lắng nghe hay nhìn vào những trải nghiệm của bạn, nhưng hãy lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với bạn. Hãy hành động theo sự thật này và bạn sẽ thấy rằng xác thịt thực sự đã chết theo thời gian.
(Gl. 2:20; Rm. 6:6) Vào lúc Chúa Kitô bị đóng đinh, xác thịt của chúng ta cũng bị đóng đinh. Và chính Chúa Giêsu Kitô đã đưa chúng ta đến Thập Giá khi Người bị đóng đinh. Vì vậy, chúng ta không được bước đi theo kinh nghiệm, cảm xúc và tầm nhìn của mình mà theo đức tin vào lời Thiên Chúa.
Lưu ý: (Rm. 8:4-9; Eph. 2:2; Pl. 2:12-16) Có hai bản ngã: bản ngã giả và bản ngã thật. bản ngã giả' là xác thịt và những ham muốn thể xác của nó, bị kích thích bởi những ngoại cảnh và hoàn cảnh sống, những cảm giác về nó mà bạn không còn sống hoặc cho phép chỉ đạo cuộc sống của mình nữa. ‘Bản ngã thật' là tinh thần con người được tái sinh hiện được kết hợp với Chúa Thánh Thần, sống và hiện hữu theo lời và ý muốn của Thiên Chúa. Bạn phải chọn sống theo điều này hay điều nọ. Bằng sự lựa chọn của mình, bạn xác định ai tiếp thêm sinh lực cho cuộc sống của bạn: Chúa Thánh Thần hay ma quỷ.
(Rm. 8:13; Gl. 5:16; Rm. 6:12-13) Khi những dục vọng xấu xa nổi lên hoặc bất cứ tội lỗi nào của xác thịt bị kích thích, thì chính quyền năng của Chúa Thánh Thần là Đấng thực hiện cái chết trên thập giá đối với bất cứ điều gì cần phải chết. Vì xác thịt của tín hữu đã bị đóng đinh với Chúa Kitô trên thập giá nên ngày nay người ấy không cần phải bị đóng đinh một lần nữa. Như vậy, bằng cách chiếm lấy thập giá, người khờ trong Chúa Kitô sẽ được giải phóng khỏi quyền lực của xác thịt và sẽ được kết hợp với Chúa trong sự sống phục sinh.
(Rm. 7:15-24; Rm. 8:23; 1 Cr. 15:22-23; 1 Cr. 15:42-44) Dù tâm trí bề trong của chúng ta có thể phục tùng luật pháp của Thiên Chúa bao nhiêu thì xác thịt của chúng ta luôn phục tùng luật pháp của tội lỗi. Bao lâu còn sống trong thân xác, chúng ta phải cảnh giác hàng ngày kẻo xác thịt bùng phát những việc ác của nó. Bạn không thể coi cuộc sống là điều hiển nhiên. Thành thử, hãy liên tục kiểm tra bản thân: vì bạn đang bước đi trong tinh thần hoặc trong xác thịt, không có vùng tranh tối tranh sáng.
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn: (Pl. 2:12-13)
(Các) câu Kinh thánh để nhớ: Pl. 3:10
Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: những câu Kinh Thánh được chọn ở trên.
Cởi bỏ/Mặc vào: Hãy xem lại Cl. 3:4-17, liệt kê những thất bại của bạn và trên cơ sở những nguyên tắc được liệt kê ở đây, hãy vượt qua những thất bại này bằng ý chí của bạn. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, hãy mặc lấy quần áo của Chúa Kitô và thấy bản thân được đồng hóa theo Hình ảnh của Người khi bạn trở thành một phước lành trong thế giới tối tăm này, nơi cần nhìn thấy ánh sáng của bạn (Eph. 6:10-17; Pl. 1:28; Kh 16:15). Xem lại Phần 11.9, “Hợp nhất với Thiên Chúa” để biết thêm cái nhìn thông suốt.
8.3. Phân chia tinh thần và linh hồn
Viễn ảnh
( Dt. 4:12; 2 Tm. 1:7; Mt. 10:38-39) Lời kêu gọi của Thập Giá Chúa Giêsu là ra hiệu cho chúng ta hãy ghét sự sống tự nhiên của mình, tìm cách đánh mất nó và không giữ nó. Chúa muốn chúng ta hy sinh bản thân và hoàn toàn đầu phục hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nếu muốn trải nghiệm lại sự sống thật của Người dưới sự hướng dẫn đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ mọi ý kiến, công sức và tư tưởng của đời sống linh hồn cũ.
Hy vọng
(Tv. 25:20-21; Is. 53:12; Lc. 23:46; 1 Pr. 4:19) Sự tủi thân, ích kỷ, sợ đau khổ, rút lui khỏi thập giá là những biểu hiện của đời sống linh hồn cũ: vì nhu cầu và động cơ chính của nó là tự bảo tồn. Khi chúng ta chọn phó thác linh hồn mình cho Người gìn giữ và không làm theo những ước muốn của chúng ta, Thiên Chúa sẽ thực hiện các mục đích của Người trong và qua chúng ta để thiết lập Vương quốc của Người trên mặt đất. Chúa Giêsu đã đổ linh hồn mình cho đến chết và phó Tinh Thần của Người cho Chúa Cha. Chúng ta cũng phải làm như vậy bằng cách đặt niềm tin vào những lời hứa của Người và chờ đợi Chúa thành toàn chúng ta.
(Dt. 4:12-16; Lc. 2:35; Mt. 10:38-39) Bằng lời của Người và Chúa Thánh Thần ngự trong lòng, Kitô hữu có thể dị biệt hóa trong kinh nghiệm sự hoạt động và biểu hiện của tinh thần khác với những hoạt động và biểu hiện của linh hồn. Trong trường hợp này, chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Chúa Giêsu hoàn thành công tác của Người trong tư cách Thượng tế đối với tinh thần và linh hồn chúng ta, chia tách linh hồn và tinh thần bằng lời Thiên Chúa vốn là lưỡi gươm của Chúa Thánh Thần.
Lưỡi gươm đâm thấu linh hồn Đức Maria vì ngài buộc phải buông bỏ Con của ngài, từ bỏ mọi thẩm quyền và đòi hỏi nơi Người. Đức Maria phải từ chối những tình cảm tự nhiên của mình, và chúng ta cũng vậy. Như Chúa Giêsu đã đổ linh hồn Ngài cho đến chết nhưng phó thác Tinh Thần của Người cho Thiên Chúa, chúng ta cũng phải làm như vậy. Khi đó chúng ta sẽ biết quyền năng phục sinh của Người và sẽ vui hưởng đường lối hoàn toàn thiêng liêng trong vinh quang của sự phục sinh (Pl. 3:10).
Thay đổi
(Tv. 25:20-21; Rm. 6:11-12; 1 Pr. 1:22; Lc. 9:23-24; Gl. 5:16-17) Chúng ta phải biết sự cần thiết của phân chia tinh thần và linh hồn. Chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa thực hiện công việc của Người, là tách tinh thần chúng ta ra khỏi linh hồn chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là hàng ngày phải nhượng bộ trước những tình huống chuyên biệt khi chúng ta dựa vào Rm. 6:11 mỗi ngày vác thập giá và sống theo Chúa Thánh Thần.
(Rm. 12:1-2) Nằm trên bàn thờ là điều chúng ta phải làm. Mọi sự thuộc về cảm xúc, cảm giác, tâm trí và năng lực tự nhiên sẽ lần lượt được tách ra khỏi tinh thần để không để lại dấu vết kết hợp nào.
(Mc. 15:38) Bức màn còn lại là sự sống tự nhiên, thuộc linh hồn của chúng ta. Chúng ta phải phó thác sự sống linh hồn mình cho sự chết để Chúa, Đấng ngự trong Nơi Chí Thánh, có thể hoàn thành công việc của Người. Khi công việc của thập giá hoạt động đủ thấu suốt trong chúng ta, Chúa sẽ thực sự hợp nhất Nơi Chí Thánh và Nơi Thánh trong chúng ta giống như Người đã làm cách đây nhiều thế kỷ: Người dùng quyền năng xé bức màn để Chúa Thánh Thần có thể tuôn đổ ra từ Thân thể Vinh hiển của Người, lấp đầy linh hồn chúng ta hoàn toàn bằng sự Hiện Diện của Người.
( 2 Sb. 7:1-2; Dt. 10:39; 1 Pr. 1:9; Eph. 6:6; Mt. 6:25; 1 Pr. 4:19; Lc. 1:46; Mt. 6:33) Tâm trí, cảm xúc, trí nhớ, trí tưởng tượng và ý chí của chúng ta sẽ được Người lấp đầy. Những gì chúng ta biết bởi đức tin, chúng ta sẽ biết và cảm nghiệm trong linh hồn. Thánh giá hoạt động theo hướng từ bỏ sự độc lập của linh hồn để nó có thể được hòa giải hoàn toàn với tinh thần. Chúng ta có được sự sống của lời từ lời ban sự sống. Mặc dù các cơ quan của linh hồn vẫn còn, nhưng các cơ quan này không còn hoạt động bằng sức mạnh của chính nó nữa; đúng hơn, chúng hoạt động bằng sức mạnh của lời Thiên Chúa. Một linh hồn ở dưới sự cai trị của Chúa Thánh Thần thì không bao giờ sợ hãi, không bao giờ lo lắng vì sự tự ý thức và ích kỷ bị loại bỏ khi người tín hữu đánh mất chính mình trong Thiên Chúa. Thay vì phải chịu đựng sự lo lắng, chúng ta có thể yên tâm tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính. Chúng ta biết nếu chúng ta quan tâm đến sự quan tâm của Chúa thì Người sẽ quan tâm đến các quan tâm của chúng ta.
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)
(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Dt. 4:12; Pl. 3:10
Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: những câu Kinh Thánh được chọn ở trên.
Cởi bỏ/Mặc vào: Xem lại Rm. 5:1-5; Rm. 12:9-21; Cl 3:5-17; 2 Pr. 1:3-11. Làm một danh sách những tội lỗi và những thất bại của bạn trong việc sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Hãy lập kế hoạch hành động để sống theo lời Thiên Chúa. Hãy chuẩn bị Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi” hoặc Phần A.8, “Không còn lo lắng” để hoàn thành các mục tiêu của Thiên Chúa dành cho cuộc đời bạn.
8.4. Hiệp nhất với Chúa Kitô
Viễn ảnh
(Ga. 3:16; Rm. 8:14; 1 Cr. 6:17; 1 Cr. 15:45; Tt 2:5) Đức tin nơi Chúa Kitô khiến một người trở thành một tín hữu được tái sinh; sự vâng phục Chúa Thánh Thần làm cho một người trở thành một tín hữu thiêng liêng. Chúa phục sinh là Thần Khí ban sự sống. Sự kết hợp của Người với tín hữu là sự kết hợp với tinh thần của tín hữu. Linh hồn, nơi cư trú của nhân cách con người, thuộc về lãnh vực tự nhiên. Tất cả những gì nó có thể và phải là là một phương tiện phát biểu hoa trái của sự kết hợp giữa Chúa và con người bên trong của tín hữu. Không có gì trong linh hồn con người dự phần vào sự sống của Chúa; sự kết hợp như vậy chỉ được thực hiện trong tinh thần.
Hy vọng
(Rm. 6:5; Rm. 1:4; 1 Pr. 3:18; Rm. 7:4,6) Bởi vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết đúng theo Thần Khí Thánh Thiện và được làm cho sống động trong Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng sống động khi được hiệp nhất với Người trong sự phục sinh, và sống động và hiệp nhất với Người trong Tinh Thần phục sinh của Người. Từ nay về sau, chúng ta chết đối với mọi điều liên quan đến chính mình và chỉ sống đối với Tinh Thần của Người mà thôi. Điều này đòi hỏi đức tin phải được đồng nhất với cái chết của Người: chúng ta đánh mất thể tội lỗi và thể tự nhiên trong chúng ta một khi chúng ta đồng nhất với sự phục sinh của Người. Chúng ta được kết hợp với sự sống phục sinh của Người để bây giờ chúng ta phục vụ trong đời sống mới của Thánh Thần.
( Cl3:1-3; Eph. 1:2-4) Chúa là Tinh Thần ban-sự-sống. Được kết hợp với Người, chúng ta được tràn đầy sức sống và không gì có thể giới hạn được sự sống đó. Việc sống trong lời Thiên Chúa mang lại cho chúng ta sự hiểu biết về ý chí và tâm trí của Thiên Chúa: tiếp tục suy niệm về điều này mang lại một luồng sinh khí và bản chất phong phú của Chúa. Không còn bị cảm xúc chi phối, chúng ta đặt dưới chân tất cả những gì trần thế giúp chúng ta có thể phân định mọi sự bằng tầm nhìn trong suốt của thiên đường.
(Ga. 16:13; 1 Cr. 3:16; Eph. 1:13-14; Eph. 3:6; Gcb. 4:5-8)
Sự Hiện Diện nội tại của Thiên Chúa dạy dỗ, hướng dẫn và thông ban thực tại của Chúa Kitô trong tinh thần con người. Tinh thần con người được củng cố bằng cách hành động theo lời Thiên Chúa khi đối đầu với thử thách và cám dỗ hàng ngày, đầu phục Chúa và từ bỏ mọi nghi ngờ: sẵn sàng tin tưởng bằng lời cầu nguyện rằng Người sẽ tràn ngập quyền năng của Người vào tâm hồn họ. Do đó, tinh thần được tăng cường có quyền thống trị linh hồn và thể xác, và do đó, đóng vai trò như một kênh truyền sự sống của Chúa Thánh Thần đến người khác.
Thay đổi
(Rm. 8:4-6; Gl. 3:14) Sống theo tinh thần có nghĩa là bước đi theo đúng trực giác. Là có tất cả sự phục vụ và hành động trong cuộc sống của mình trong tinh thần, luôn được tinh thần chi phối và ban quyền: đây là nhiệm vụ hàng ngày của người Kitô hữu. Việc bước đi theo tinh thần như vậy đòi hỏi sự trông cậy và đức tin. Hoạt động trong chiều sâu sâu thẳm nhất của chúng ta, Chúa Thánh Thần tự phát biểu chính Người thông qua sự nhạy cảm tinh tế của tinh thần chúng ta.
(Gl. 5:16-18) Việc bước đi theo tinh thần bao gồm cả việc bắt đầu một công việc qua sự mặc khải lẫn việc thực hiện công việc đó nhờ sức mạnh của Chúa. Nếu chúng ta đi theo trực giác thay vì suy nghĩ, ý kiến, cảm xúc hay xu hướng, chúng ta sẽ có kết cục tốt đẹp: vì chúng ta dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào tài năng, sức mạnh hay khả năng của mình.
(1 Tx. 5:23; Rm. 8:9-14) Thánh Phaolô mô tả tình trạng đích thực của con người thiêng liêng...
1. Người ấy có Thiên Chúa ngự trong tinh thần, thánh hóa người ấy hoàn toàn.
2. Con người không sống bằng sự sống linh hồn. Mọi suy nghĩ, trí tưởng tượng, cảm xúc, ý tưởng, tình cảm, mong muốn và quan điểm của anh ta đều được Chúa Thánh Thần đổi mới và thanh lọc và đưa vào sự phục tùng của chính tinh thần họ. Họ không còn hoạt động độc lập nữa.
3. Họ vẫn sở hữu cơ thể của họ; tuy nhiên, sự tê liệt, đau đớn và đòi hỏi về thể xác không bắt được tinh thần ngã khỏi vị trí đi lên. Mọi chi thể của thân thể đều trở thành công cụ của sự công chính.
Tóm lại, người thiêng liêng là người thuộc về Chúa Thánh Thần: toàn bộ con người được cai trị bởi con người bên trong; mọi cơ quan của hữu thể họ đều hoàn toàn lệ thuộc vào nó.
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)
(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Ga. 16:13
Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: 1 Cr. 2.
Cởi bỏ/Mặc vào: Trong lời cầu nguyện, hãy cầu xin Chúa tiết lộ cho bạn những lĩnh vực mà bạn bị đời sống linh hồn kiểm soát và chi phối, tức là những suy nghĩ, lời nói và hành động không dựa trên các nguyên tắc sùng đạo. Để giúp đỡ việc này, hãy đọc Rm. 12:9-21; Eph. 4:22-32; Cl. 3:5-16. Xem lại Phần 5.2, “Biến đổi bản chất tự nhiên” để biết thêm các hiểu biết thấu suốt.