Kể từ ngày có sự hiện diện của những con người nói tiếng Việt với giọng ‘‘trọ trẹ’’ ở thành phố Melbourne này thì bắt đầu có những cuộc hội họp đặc biệt với danh xưng là “Đồng Hương Vinh”. Tuy nhiên, từ những buổi đầu các cuộc hội họp này chưa đi vào quy cũ, chưa được tổ chức chặt chẽ và còn mang tính lẻ tẻ. Nhưng từ ngày chính thức thành lập (2015) đến nay, Hội Đồng Hương Vinh ở Melbourne thực sự đã đi vào quy cũ, lớn dần và vận hành rất đều đặn. Cứ ‘đến hẹn lại lên’, vào trung tuần tháng 8 hàng năm, đoàn con cái Giáo phận Vinh, đang sinh sống, học tập và làm việc tại tiểu bang Victoria nước Úc lại cùng nhau quy tụ, tổ chức mừng Lễ Bổn Mạng, Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.
Người viết xin mạn phép nhắc lại chuyện cũ một chút để độc giả rõ hơn về “truyền thống” của những người Công Giáo xuất thân và có nguồn gốc từ Giáo phận Vinh đang sinh sống tại tiểu bang Victoria, Úc Châu này.
Lần thứ nhất (2015) Hội Đồng Hương Vinh đã cùng nhau tổ chức mừng Lễ Bổn Mạng, Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, tại nhà thờ Thánh Vinh-Sơn-Liêm, Melbourne. Đây là một trong những Trung tâm Công Giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận Melbounre. Trung tâm này do linh mục Giuse Trần Ngọc Tân (gốc Vinh) quản nhiệm.
Lần thứ hai (2016) Hội Đồng Hương Vinh đã tổ chức mừng Lễ Bổn Mạng, Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, tại nhà thờ giáo xứ Chúa Chiên Lành, Tổng Giáo phận Melbourne. Giáo xứ này thời gian đó do linh mục Giuse Nguyễn Hồng Ánh (người Vinh) làm cha xứ.
Lần thứ ba (2017) Hội Đồng Hương Vinh đã cùng nhau tổ chức mừng Lễ Bổn Mạng, Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, cũng tại nhà thờ giáo xứ Chúa Chiên Lành, Tổng Giáo phận Melbourne. Giáo xứ này thời gian đó cũng do linh mục Giuse Nguyễn Hồng Ánh (người Vinh) làm cha xứ.
Lần thứ tư (2018) Hội Đồng Hương Vinh đã cùng nhau tổ chức mừng Lễ Bổn Mạng, Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, tại nhà thờ giáo xứ Thánh Phê-rô, thuộc Tổng Giáo phận Melbourne. Giáo xứ này do linh mục Giuse Nguyễn Hồng Ánh (người Vinh) làm cha xứ.
Lần này, lần thứ năm, lần này (2019) Hội Đồng Hương Vinh đã cùng nhau tổ chức mừng Lễ Bổn Mạng, Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, cũng tại nhà thờ giáo xứ Thánh Phê-rô, thuộc Tổng Giáo phận Melbourne. Giáo xứ này hiện cũng do linh mục Giuse Nguyễn Hồng Ánh (người Vinh) làm cha xứ.
*****
Như đã nói, từ năm 2015, khi Hội Đồng Hương Vinh tại Melbourne đã chính thức thành lập và đi vào hoạt động theo quy cũ, thì Ban điều hành và quý linh mục Tu sĩ người xuất thân từ Giáo phận Vinh, gốc Giáo phận Vinh đã quyết định chọn Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời (15/8), Bổn Mạng của Giáo phận Mẹ ở Việt Nam, làm Bổn Mạng của đoàn con cái Vinh đang sinh sống, học tập, làm việc tại Tổng Giáo phận Melbourne. Nhưng kể từ năm nay (2019) danh xưng đã được đổi từ “Hội Đồng Hương Vinh” thành ‘‘Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình’’.
Tại sao lại không giữ nguyên danh xưng cũ là Lễ Bổn Mạng “Hội Đồng Hương Vinh” mà lại phải đổi thành Lễ Bổn Mạng “Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình”? Đây chính câu hỏi mà một số người đã nêu lên qua dịp mừng Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời năm nay tại giáo xứ Thánh Phê-rô, Epping, Melbourne.
Trước hết, người viết kính mời quý vị vui lòng lùi về vài mốc thời gian chính yếu từ ngày thành lập Giáo phận Vinh ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay để hiểu rõ hơn về danh xưng mới mà chúng ta chọn gọi từ năm nay (2019).
Được thành lập năm 1846 với tên gọi là "giáo phận Nam Đàng Ngoài". Ngày 15 tháng 8 năm 1892, Giám mục Louis Pineau Trị làm lễ cung hiến Giáo phận cho Đức Mẹ - chọn Đức Maria Hồn Xác Lên Trời làm Bổn Mạng của Giáo phận Vinh.
Đến ngày 3 tháng 12 năm 1924, tất cả các giáo phận ở Việt Nam đổi tên theo địa bàn hành chính nơi đặt Toà Giám mục, nên giáo phận Tông tòa Nam Đàng Ngoài đổi thành giáo phận Vĩnh, về sau được gọi là giáo phận Vinh, do Giám mục André Léonce Eloy Bắc coi sóc.
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Tòa Thánh Vatican thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam và nâng các giáo phận tông tòa lên hàng chính tòa. Giáo phận Vinh cũng được nâng lên vào ngày này và thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội.
Địa bàn giáo phận Vinh từ ngày đó tương ứng 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tổng diện tích của ba tỉnh là 30.599km2; với số giáo dân là 523.046 người, chiếm 10% dân số toàn vùng, với hơn 284 Linh mục triều và dòng và rất nhiều tu sĩ nam nữ.
*****
Như chúng ta đã biết, Giáo phận Vinh là giáo phận có số giáo dân đông thứ ba của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sau Giáo phận Xuân Lộc và Tổng Giáo phận Sài Gòn. Giáo phận Vinh trải dài trên nhiều tỉnh, nên ngày 22 tháng 12 năm 2018 Tòa Thánh đã Vatican đã công bố quyết định tách Giáo phận Vinh làm hai Giáo phận là: Vinh và Hà Tĩnh. Giáo phận Vinh gồm tất cả các giáo xứ trong tỉnh Nghệ An; Giáo phận Hà Tĩnh gồm tất cả các giáo xứ trong hai tỉnh: Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Với quyết định này, trước ngày mừng lễ Bổn Mạng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời năm nay (2019), anh chị em trong Ban điều hành Hội Đồng Hương Vinh cùng với các Linh mục, Tu sĩ người Vinh và gốc Vinh đang sống và làm việc tại Melbourne đã nhóm họp và quyết định rằng: Kể từ năm nay (2019) sẽ đổi danh xưng là của HỘI là: “Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình tại Melbourne” thay vì “Hội Đồng Hương Vinh tại Melbourne” như trước đây.
Sở dĩ chúng tôi đổi danh xưng là vì hiện tại Giáo phận Vinh bao gồm tất cả các giáo xứ thuộc tỉnh Nghệ An, còn Giáo phận Hà Tĩnh thì lại bao gồm tất cả các giáo xứ thuộc 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, cho nên nếu cứ để danh xưng cũ thì không đúng, không phù hợp. Nếu chúng tôi vẫn gọi theo danh xưng cũ là “Hội Đồng Hương Vinh” thì vô hình chung đã loại tất cả những con cái thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ra khỏi hội. Cho nên, danh xưng mới “Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình” là bao trùm tất cả những người con thuộc ba tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Qua cuộc họp đó, ban điều hành, đại diện giáo dân và quý linh mục tu sĩ của Nghệ - Tĩnh – Bình đang sinh sống, học tập và àm việc tại Melbourne vẫn tiếp tục chọn mừng Lễ Bổn Mạng là ngày 15 tháng 8, Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời hằng năm.
Kính thưa quý vị! Nếu ai đó đề nghị người viết cho biết một số tài sản quý báu hay di sản văn hóa, hoặc một số địa danh hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Nghệ - Tĩnh – Bình thì người viết chẳng kể được bao nhiêu. Nếu muốn ‘‘khoe’’ với thiên hạ thì thật sự người viết chẳng có nhiều, có chăng thì chỉ có thể khoe chuyện về: chuyện con “CÁ GỘ” của những thầy đồ nghèo; chuyện “CHÀNG SINH VIÊN NGHÈO MƯỢN NỒI CỦA MỘT CÔ GÁI ĐỂ NẤU CƠM”, nhưng thực chất mượn không phải để nấu cơm vì gạo anh ta đâu có, nhưng mỗi lần mượn nổi mục đích là để cạo cơm cháy còn sót dưới đáy nồi của người ta để ăn cho qua ngày đoạn tháng; khoe cái “NGHÈO”; khoe một miền đất khô cằn cày lên toàn sỏi đá; khoe những trận ‘lụt hồng thủy’ tràn vào cuốn theo toàn bộ gia sản; khoe những trận bão điên cuồng càn quét sạch các mái nhà; khoe những trận gió Lào thổi về làm rát bỏng da thịt của những người con nơi quê hương mình mà thôi!
Cũng vì thường xuyên phải đương đầu với những đắng cay, vất và và khốn cùng của những người con trong miền đất Nghệ - Tĩnh – Bình, nên ai đó đã viết lên hai câu thơ, nghe xong thì những ai có trái tim bằng thịt của kiếp nhân sinh cũng đều phải quặn lòng đau nhói và rơm rớm nước mắt:
“Quê tôi gạt sỏi tìm cơm
Hết mưa, thôi hạn lại cơn bão gần.”
Hai câu thơ mộc mạc này đã lột tả tính trần trụi của nỗi vất vả, cái đói, cái nghèo, sự chịu đựng bởi thiên tai khắc nghiệt mà những người sinh sống trong miền đất khô cằn, thiếu may mắn này phải đối diện liên miên. Cũng vì không được thiên nhiên chiếu cố, ưu đãi nên con người sống trong miền đất này đã tự tôi luyện tính cần cù, bền bỉ, sức chịu đựng để sống còn. Ngoài những cái khó, cái khổ, cái cực đó, người viết chỉ có thể nêu lên được một số địa điểm có giá trị vật chất như: Sông Lam (Nghệ An), Sông La (Hà Tĩnh), Núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Động Phong Nha (Quảng Bình); Bãi Biển Cửa Lò (Nghệ An); Nhà Thờ Đá, Lèn Đá Bảo Nham (Nghệ An),…
Tìm những thứ có giá trị vật chất để viết ra thì chẳng có bao nhiêu, nhưng nếu được phép ‘‘kheo khoang’’ một chút về các giá trị tinh thần và con người Nghệ - Tĩnh – Bình thì người viết có viết đến mỏi cả tay, rũ toàn thân cũng chẳng bao giờ kể ra cho hết. Vì các giá trị tinh thần thì bao la, nhiều, rất nhiều và nhiều lắm!
Vì sức khỏe và khả năng của người viết quá hạn chế, nên chỉ mạn phép kể về một số giá trị mang tính tinh thần thôi.
Khi nói đến các tiền nhân, những anh hùng đức tin của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hay Giáo hội hoàn vũ thì Giáo phận Vinh cũng có những người con rất ưu tú.
Chúng ta đều biết rằng, ngày 19 tháng 6 ăm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Thánh cho 117 vị Thánh Tử vì Đạo của Giáo hội Việt Nam trongr 26 Giáo phận thì riêng Giáo phận Vinh đã có đến 6 vị rồi. Trong đó có 5 vị bị giết dưới thời vua Minh Mạng và 1 vị bị giết và dưới thời Thiệu Trị. Các vị Thánh Tử Đạo có tên sau đây:
1/ Thánh Linh mục Phê-rô Lê Tùy (1772-1833)
2/ Thánh Giám mục Phê-rô Borie Cao (1808-1838)
3/ Thánh Linh mục Vũ Đăng Khoa (1790-1838)
4/ Thánh Linh mục Vincentê Nguyễn Thời Điểm (1765-1838)
5/ Thánh Thầy giảng Phê-rô Nguyễn Khắc Tự (1808-1840)
6/ Thánh Linh mục Phê-rô Hoàng Khanh (1780-1842)
Trên đây mới chỉ là những vị đã chính thức được phong Thánh và đã được Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ tôn kính. Còn hàng trăm, hàng ngàn con cái thuộc Giáo phận Vinh đã chịu chết vì đức tin mà Giáo hội chưa phong Thánh nữa.
Rồi trong thời nay cũng vậy thôi, những người Công Giáo Nghệ - Tĩnh – Bình là những con người đi đầu trong việc đòi công lý và hòa bình. Các Giám mục, các linh mục, tu sĩ và giáo dân Nghệ – Tĩnh – Bình chưa bao giờ có khái niệm sợ cộng sản. Vì sinh ra và sống chung với cộng sản nên người Nghê – Tĩnh – Bình coi cộng sản như “cỏ lùng” mọc chung với mình là lúa vậy! Chỉ có cỏ lùng sợ lúa chứ lúa chẳng bao giờ ngán cỏ lùng cả. Do đó, chúng ta không lạ lùng gì chuyện các Giám mục, linh mục, tu sĩ và ngay cả giáo dân đứng lên chống lại các thế lực của cộng sản hàng ngày ở Nghệ - Tĩnh – Bình như hiện nay.
Bản chất của dân “trọ trẹ” rất mộc mạc, đơn sơ, không biết nịnh hót mà chỉ có sao nói vậy. Nói đến dân “cá gộ” là nói đến tính kiên cường trong gian lao, không sợ những khó khăn vất vả, không sợ đấu tranh cho công lý và hòa bình và nhất là có tinh thần đoàn kết rất cao. Mang trong dòng máu những đức tính ấy, từ 2 giờ 30 ngày Chúa Nhật 18 tháng 8 năm 2019 chúng tôi nhìn thấy một lượng người đông đảo đang đi lại xung quanh khu vực nhà thờ Thánh Phê-rô, Epping thuộc Tổng Giáo phận Melbourne. Rồi chúng tôi nghe đâu đó vài ba nhóm người tấm tắc: “đúng là ‘trời đất đầy Vinh’, không những là đầy giáo dân, đầy tu sĩ nam nữ người Vinh đông mà các linh mục cũng rất chi là nhiều!”
Rồi đúng 3 giờ chiều Chúa Nhật ngày 18 tháng 8 năm 2019 đoàn đồng tế từ ngoài từ từ tiến vào phía cuối nhà thờ lên cung thánh. Trước đoàn đồng tế là các thầy giúp lễ người Vinh đến từ Đại chủng viện Corpus Christi Melbourne, với bình hương, nến sang và thánh giá giương cao. Tiếp theo là 12 linh mục người Vinh với màu phẩm phục trắng toát, ung dung tiến dần lên cung thánh để chuẩn bị dâng lễ.
Chiều hôm nay giáo dân đông, tu sĩ đông và linh mục đông, nên chuyện mà có vài ba nhóm người nhìn đoàn con cái Nghệ - Tĩnh - Bình rồi buột miệng nói lên câu “trời đất đầy Vinh’ trước thánh lễ hôm nay chẳng lấy gì làm lạ cả. Vì câu nói nửa đùa nửa thật: ‘‘Trời đất đầy Vinh’’ đã được các ‘đấng’ các ‘bậc’ trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dùng từ lâu rồi. Khi các đấng các bậc nói “trời đất đầy Vinh’ là muốn khẳng định và nói đến sự dồi dào ơn gọi linh mục tu sĩ của Giáo phận Vinh. Có thể nói, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các dòng tu nam nữ ở Việt Nam đều có sự hiện diện của con cái Giáo phận Vinh. Có người nói đùa: Ở Việt Nam nhiều dòng tu quá nên chỉ có Chúa Thánh Thần mới đếm hết còn người phàm thì không tài nào đếm hết được. Và trong vô số dòng tu không đếm hết đó thì lại có quá nhiều người Vinh đi tu làm linh mục, tu sĩ. Vì con số người Vinh làm linh mục tu sĩ đông quá trong các dòng nên thiên hạ cũng chịu thua không đếm xuể, may chi Chúa Thánh Thần mới có thể đếm hết những người con của Giáo phận Vinh đi tu trong nước cũng như trên toàn thế giới!
Kính thưa quý đọc giả! Từ dịp mừng Lễ Bổn Mạng đầu tiên (2015) đến nay trên bàn thờ lúc nào cũng có trên 12 linh mục đồng tế. Nhìn 12 linh mục đồng tế trên bàn thờ vừa đẹp mặt vừa diễn tả sự tròn đầy - sự tròn đầy với con số giống như con số 12 Tông đồ của Hội Thánh tiên khời mà chính Chúa Giê-su đã thiết lập. Nếu không vì lý do mục vụ, tất cả các linh mục triều và dòng người Vinh và gốc Vinh đang phục vụ tại Tổng Giáo phận Melbourne mà quy tụ đầy đủ thì không chỉ là con số 12 mà là gần 20 vị.
Vì số linh mục của hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình dồi dào nên mỗi lần tổ chức mừng lễ thì một linh mục được phân công làm chủ tế và một linh mục khác giảng lễ. Năm nay cha Antôn Nguyễn Thế Vĩnh chủ tế và cha Phaolô Nguyễn Văn Hiệp giảng lễ. Trong phần chia sẻ, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiệp đã gợi lên một số đức tính của Mẹ Maria và nhắc nhở đoàn con cái của Mẹ cố gắng học bài học khiêm nhường, phó thác tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa như Mẹ Maria. Đồng thời, ngài cũng nhắc nhở đoàn con cái Mẹ cố gắng giữ gìn bản sắc và truyền thống tốt đẹp từ cội nguồn, nhất là sống đức tin một cách tích cực để xứng đáng là những người con mang danh Nghệ - Tĩnh – Bình.
Mừng lễ Bổn Mạng năm nay sự hiện diện của con cái Nghệ - Tĩnh – Bình cũng đông đảo, tương tự như mấy năm trước. Còn số tu sĩ nam nữ và chủng sinh thì năm nay đông hơn các năm trước. Về phía nữ tu, năm nay có thêm một số nữ tu của dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh, Thủ Đức, dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, dòng Phan Sinh, dòng Na-da-rét từ Việt Nam qua du học và làm việc tại Melbourne. Còn về bên nam thì năm nay cũng có thêm một số thầy thuộc dòng Chúa Cứu Thế, dòng Ngôi Lời, và chủng sinh của Đại chủng viện Melbourne từ Việt Nam qua du học. Ngoài sự hiện diện đông đảo của đoàn con cái Nghệ - Tĩnh – Bình gồm linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, còn có sự hiện diện của: Quý vị Đại diện trong Hội đồng Mục vụ của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, các Chủ tịch của các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, Hội đồng Mục vụ của các Cộng đoàn Công Giáo tại Melbourne, Hội đồng Mục vụ của các Trung tâm Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, Đại diện các Hiệp hội, Đại diện các Đoàn thể, các Nhiếp ảnh gia của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, các vị trong Ban Truyền thông của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Melbourne...
Cuối thánh lễ, ông Antôn Trương Tấn Phát, đại diện Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình lên cám ơn quý khác xa gần và tất cả cộng đoàn. Ông đã có lời cám ơn đến Chủ tịch và các vị đại diện Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, các vị Chủ tịch và Đại diện các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, các vị Đại diện các Hiệp hội, Hội đoàn, Đoàn thể Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, các nhiếp ảnh gia của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Melbourne, các ân nhân, thân nhân, bạn hữu đã nhận lời mời của Hội Ái Hữu đến hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho hội và cầu nguyện cho Giáo phận Mẹ ở Việt Nam. Ông cám ơn tất cả mọi người đã không bỏ thời gian quý báu của mình, không quản ngại thời tiết, khí hậu mùa đông, đã đến tham dự thánh lễ Bổn Mạng của Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình. Ông cũng cám ơn ban tổ chức, cám ơn các nhà tài trợ, các mạnh thường quân, ban khánh tiết, ban ẩm thực, ban âm thanh, ánh sáng và tất cả mọi người đã đóng góp tinh thần và vật chất để dịp tổ chức mừng lễ tốt đẹp. Cuối cùng vị đại diện cám ơn đặc biệt đến ca trưởng và tất cả các ca viên, nhạc công trong ca đoàn Mân Côi, Bình Giã đã bỏ nhiều thời gian và công sức tập duyệt để phục vụ bằng lời ca, tiếng hát, tiếng đàn của mình góp phần giúp cho Thánh lễ thêm sốt sắng và long trọng. Nguyện xin Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, trả công bội hậu và ban cho Quý vị cùng quý quyến muôn ơn lành hồn xác!
Tiếp lời vị đại diện Hội Ái Hữu, linh mục chủ nhà, cha Giuse Nguyễn Hồng Ánh đã trân trọng kính mời tất cả quý khách và mọi người vào hội trường giáo xứ để tham giữ tiệc liên hoan và thưởng thức phần ca nhạc do các ca sĩ nổi tiếng của Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình trình diễn.
Khi mọi người tiến vào Hội trường thì rất nhiều món đặc sản quê hương cùng với bia, nước ngọt, nước giải khát, trái cây đủ loại đã được bày sẵn trên hai dãy bàn dài mặc sức cho mọi thực khách thưởng thức. Trước khi vào tiệc, hai quản trò là seour Yến dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh, Thủ Đức và thầy Nam dòng Chúa Cứu Thế đã cho các thực khách khởi động mạnh bằng các động tác mạnh: chạy, nhảy, trườn, bò... hầu giúp cho cái bụng của thực khách đói để chuẩn bị thưởng thức các món ăn một cách ngon miệng.
Sau lời kinh tạ ơn và thánh hóa của ăn của cha Giuse Nguyễn Hồng Ánh, mọi người đã lần lượt đến bàn bắt đầu nhận của ăn và của uống để thưởng thức. Trong lúc mọi người ăn uống thì anh Hùng và chị Thủy người Bình Giã, gốc Vinh chuẩn bị âm thanh, ánh sang và một giàn Karaoke hiện đại để các ca sĩ thuộc “cây nhà lá vườn” của Hội Ái Hữu lên sân khấu giúp vui cho mọi người. Mọi người ăn uống, sinh hoạt văn nghệ, ca hát mãi đến gần 6 giờ chiều mới kết thúc. Một ngày đầy tràn niềm vui và ý nghĩa của những người con trong Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình đã kết thúc. Mỗi người một tay, dọn dẹp và lau sạch hội trường trước khi ra về để trả lại không gian cho giáo xứ.
Bữa tiệc vui nào rồi cũng sẽ có lúc tàn, người hợp tan cũng là chuyện thường tình ở đời. Một ngày thật ý nghĩa đã kết thúc, một tương lai đầy hy vọng và niềm vui đang chờ mọi người. Ra về trong hy vọng và lòng tràn ngập niềm vui, đoàn con cái của Hội Ái Hữu Nghệ - Tĩnh – Bình với những khuôn mặt tươi như hoa, bắt tay nhau và nói lời tạm biệt rồi hẹn lại gặp nhau vào ngày lễ Bổn Mạng của Hội trong năm tới.

La-da-rô Antôn Phạm Xuân Tạo