Chúa Nhật 25 Thường Niên C
Bài đọc 1 tuần trước kể chuyện dân Do thái đúc con bê vàng rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập (x.Xh 32,1-35). Họ tôn thờ ngẫu tượng. Họ đã vô ơn và phản bội.Thiên Chúa đã bừng bừng nổi giận. Ông Môsê nại đến tình thân giữa Thiên Chúa và Apbraham, Isaac và Giacop để van xin Người nguôi cơn thịnh nộ. Môsê nhắc lại tình thương, lời hứa và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên họ để xin thương tha phạt cho đám dân ngỗ nghịch này: Dân mà Ngài đã dùng cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Aicập. Với lời van xin ấy, Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ, đã thương không giáng phạt dân chúng.
Con bê vàng hay tiền bạc của cải vật chất là sức mạnh cuốn hút con người, chi phối nhiều lãnh vực trên thế gian này.
Bài đọc 1 tuần này trích sách Ngôn sứ Amos, nêu ra những thói đời xấu xa, những bất công giả trá và mạnh mẽ lên án tội lỗi của những người giàu: vì mải mê kiếm tiền nên họ bỏ bê những bổn phận đạo đức, gian lận “giảm đấu đong, tăng giá và làm cân giả”, thậm chí bóc lột cả người nghèo.
Thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, vương quốc phía Bắc của Israel có nền kinh tế thịnh vượng. Những người giàu có sang trọng sống xa hoa bên cạnh những người nghèo khổ. Nhiều nghi lễ lộng lẫy ở đền thờ nhưng không có tâm tình tôn giáo chân thực. Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Amos đến cảnh tỉnh cũng như lên án những bất công xã hội, những an toàn giả tạo mà người ta cậy dựa. Một loạt tố cáo những bất công trong buôn bán như tăng giá bán, làm cân giả…lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu. Một xã hội có những người xấu chuyên môn lường gạt, gian dối, lừa lọc, xảo trá và dùng nhiều thủ đoạn để vun đắp phần lợi về mình.
Ngôn sứ Hôsê cùng thời với Amos đã nhận định về tình trạng xã hội thời ấy: "Israel vốn là một cây nho sum sê, trái trăng thật dồi dào phong phú; nhưng trái trăng càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng; đất nước càng giàu sang, chúng càng dựng thêm những cột thần lộng lẫy" (Hs 10, 1).
“Đất càng phì nhiêu, tượng thần càng nhiều”, nhận định này của vị Ngôn sứ thế kỷ thứ VIII tcn vẫn đúng cho con người mọi nơi mọi thời, đặc biệt là chính sách đất đai hiện nay ở Việt Nam đã tạo quá nhiều thuận lợi cho tham nhũng trục lợi và bất công tràn lan.Điều 17 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Điều 1 Luật đất đai năm 1993 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”.Việc Nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai mà chỉ thừa nhận một hình thức duy nhất là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” là nguồn gốc đẻ ra khủng hoảng thị trường bất động sản và hàng loạt các khủng hoảng kinh tế, văn hóa, bất công xã hội.
Các Ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo, những người chỉ nghĩ đến tiền bạc lợi lộc.
Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm mua địa vị chức tước; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos đã nghiêm khắc cảnh cáo họ: Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người nghèo khó và muốn hủy diệt hết những người bần cùng trong cả nước. Các ngươi giảm đấu đong, tăng giá bán và làm nên những chiếc cân non. Các ngươi lấy tiền mua người nghèo khó, lấy đôi dép mà đổi lấy người túng thiếu. Các ngươi bán lúa mục nát. Thế nhưng, Thiên Chúa sẽ không quên lãng và những hình phạt khủng khiếp sẽ được giáng xuống trên các ngươi.
Trong Cựu Ước, giàu có thịnh vượng thường được xem như một sự chúc lành của Thiên Chúa. Nhưng dân Ítraen lại suy nghĩ theo cách của các dân ngoại chung quanh, họ coi sự thịnh vượng của mình là ơn lành của các sức mạnh thiên nhiên mà dân ngoại tôn thờ như những thần linh, thần mưa, thần gió, thần đất. Cho nên vật chất càng phát triển họ càng sùng bái ngẫu tượng nhiều hơn. Đó là một sự phản bội không thể tha thứ: "Chúng là thứ người lòng một dạ hai, rồi đây chúng sẽ phải đền tội" (Hs 10, 2). Thiên Chúa đã kết ước với họ nhưng họ đã thất trung bội tín, lòng họ đã bị phân rẽ. Thay vì tôn thờ một mình Thiên Chúa, nghe theo lời Người dạy bảo và trông cậy vào một mình Người, họ lại chạy theo những thần linh giả dối. Ngôn sứ Hôsê mạnh mẽ cảnh cáo Ítraen: "Rồi đây chúng sẽ phải đền tội; bàn thờ của chúng, Đức Chúa sẽ đập tan, cột thờ của chúng, Người cũng sẽ phá đổ" (Hs 10, 2). Cái gì giả trá thì vẫn là giả trá. Đặt tin tưởng vào nó, tất chẳng thể bền. Rồi đây Ítraen sẽ thấy các thần tượng mình sụp đổ, "bấy giờ họ sẽ nói với núi đồi: 'Phủ lấp chúng tôi đi!' và với gò nổng: 'Hãy đổ xuống trên chúng tôi!'" (Hs 10, 8).
Chính kinh nghiệm cho thấy rằng của cải giàu sang thường đưa người ta đi xa Chúa. Sự sung túc mang tới cho người ta nhiều thứ có khả năng cạnh tranh với Thiên Chúa, và thậm chí thay thế Thiên Chúa, ví dụ như địa vị, quyền thế, danh vọng, tình yêu, tiện nghi, lạc thú. Tục ngữ ta đã chẳng nói "có tiền mua tiên cũng được" hay "đồng bạc đâm toạc tờ giấy" đó sao? Của cải làm cho người chiếm hữu nó có cảm thức mãnh liệt rằng mình "toàn năng", muốn gì cũng được! (Cố Lm Nguyễn Hồng Giáo).
Nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay sẽ thấy, người ta thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng của họ và khi đó làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có, càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.
Cùng một tiếng chuông cảnh tỉnh của các Ngôn sứ, Chúa Giêsu đã dạy: Các con không thể làm tôi hai chủ, vì nếu mến chủ này thì sẽ ghét chủ kia. Cũng vậy, các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.
Chúa Giêsu không phi bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Ngài chỉ nhắc nhở thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo phê phán những người giàu trong việc sử dụng tiền của.
Tiền của tự nó không xấu. Xấu hay tốt là tuỳ ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, coi đó như tất cả cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để cố chiếm hữu thật nhiều; thậm chí bán rẻ cả lương tri và phẩm giá con người. Tiền của trở nên thần tượng và chiếm chỗ độc tôn trong lòng người. Ngài kết án những người vì đồng tiền mà sống bất công, lừa thầy phản bạn, coi thường mạng sống và nhân phẩm người khác. Ngài còn phê phán chỉ trích những người giàu sang chỉ biết cậy dựa vào tiền bạc và sống ích kỷ hưởng thụ.
Tiền của là phương tiện tốt nếu được dùng để làm điều thiện, giúp đỡ người thiếu thốn, phục vụ khoa học vì những mục đích tốt. Chỉ có cách đó mới làm cho người ta không làm tôi của cải. Lòng tham lam, việc tích trữ của cải là mối nguy hiểm lớn cản trở con đường tìm kiếm Nước Trời và đưa con người xa rời Thiên Chúa. Người thanh niên giàu có được mời gọi bán tất cả của cải tài sản để đi theo Chúa, nhưng anh ta buồn rầu bỏ đi vì có nhiều của cải. Chúa Giêsu cảnh tỉnh: Người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Vì thế không lạ gì thái độ cương quyết của Chúa Giêsu là đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát: Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của.
Chúa Giêsu luôn đứng về phía người nghèo và bênh vực kẻ cô thế cô thân. Ngài sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo. Ngài chọn các môn đệ giữa số những người nghèo. Ngài hằng quan tâm, yêu thương vỗ về những người nghèo và tuyên bố mối phúc đầu trong bát phúc: “Phúc cho những người nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Lc 6,20; Mt 5,3). Yêu người nghèo, nhưng Chúa Giêsu không hề kết án người giàu và tẩy chay sự giàu có. Ngài ân cần tiếp đón và đối thoại với người giàu, sẵn sàng đến dùng bữa với họ khi được mời; Ngài để cho những phụ nữ giàu có đi theo giúp đỡ trong hành trình sứ vụ. Tuy nhiên, Ngài nặng lời chỉ trích những người giàu chỉ biết bám víu vào tiền của, sống ich kỷ hưởng thụ bỏ mặc người nghèo đói cơ cực (x. Lc 16,19-31), làm giàu cách bất lương, ỷ vào tiền của mà khinh dễ kẻ khác.
Ưu tiên hàng đầu của người môn đệ Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa. Mọi sự khác cũng cần thiết nhưng không được đặt lên trên Nước Thiên Chúa. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đây là vấn đề giá trị khi chọn lựa. Thế gian thường lấy của cải vật chất làm ưu tiên số một và cho rằng của cải giàu sang sẽ giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và của con người. Con cái của Chúa sẵn sàng từ bỏ tất cả để tìm kiếm Chúa và phụng sự một mình Chúa. Có Chúa là có tất cả; khi không còn gì nhưng còn có Chúa là còn tất cả vì Ngài là lẽ sống. Khi đã chọn Chúa, ắt sẽ biết sử dụng tiền của và tất cả những gì Chúa ban để phụng sự Ngài và Giáo hội qua việc phục vụ anh em đồng loại. Sống theo ưu tiên đó, người Kitô hữu sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì tiền của, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Ngài mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.
Tiền của cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho bao băng hoại, tráo trở trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình, hư đốn trong bản thân. Thánh Phaolô khuyến cáo “Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tm 6,10). Khi con người đã quá đề cao và bám víu vào tiền của, coi nó là vạn năng, là tất cả cuộc sống thì sẽ trở thành nô lệ cho nó.
Thiên Chúa ban cho con người tiền của chóng qua để sống, thăng tiến, phát triển, phục vụ…Giá trị của tiền tài hệ tại con người biết sử dụng cách đúng đắn như phương tiện phục vụ anh em, đặc biệt người nghèo khổ, để đạt tới Nước Trời là hạnh phúc đích thực.
Tiền của là phương tiện để chia sẻ với tha nhân, trong bài đọc 2, thánh Phaolô viết cho Timôthêô: “Những người giàu, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,17-18). Đó chính là lời nhắc nhở để hôm nay chúng ta biết đồng cảm với những người nghèo khó, chia sẻ tình thương với họ và tránh xa lòng ganh tỵ, oán hờn tranh chấp, nhưng biết xây dựng hòa bình.
Tiền của chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Tiền của giàu sang nơi trần gian chỉ là tạm bợ, không thể tạo hạnh phúc đích thực cho con người; ngược lại nó làm con người vong thân khi bị nó chiếm hữu, và lúc ấy nó sẽ là chủ nhân ông và con người sẽ biến thành tôi tớ. Vậy nếu ở đời này, con người biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, họ sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.
Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.
Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.
Bài đọc 1 tuần trước kể chuyện dân Do thái đúc con bê vàng rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập (x.Xh 32,1-35). Họ tôn thờ ngẫu tượng. Họ đã vô ơn và phản bội.Thiên Chúa đã bừng bừng nổi giận. Ông Môsê nại đến tình thân giữa Thiên Chúa và Apbraham, Isaac và Giacop để van xin Người nguôi cơn thịnh nộ. Môsê nhắc lại tình thương, lời hứa và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên họ để xin thương tha phạt cho đám dân ngỗ nghịch này: Dân mà Ngài đã dùng cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Aicập. Với lời van xin ấy, Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ, đã thương không giáng phạt dân chúng.
Con bê vàng hay tiền bạc của cải vật chất là sức mạnh cuốn hút con người, chi phối nhiều lãnh vực trên thế gian này.
Bài đọc 1 tuần này trích sách Ngôn sứ Amos, nêu ra những thói đời xấu xa, những bất công giả trá và mạnh mẽ lên án tội lỗi của những người giàu: vì mải mê kiếm tiền nên họ bỏ bê những bổn phận đạo đức, gian lận “giảm đấu đong, tăng giá và làm cân giả”, thậm chí bóc lột cả người nghèo.
Thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, vương quốc phía Bắc của Israel có nền kinh tế thịnh vượng. Những người giàu có sang trọng sống xa hoa bên cạnh những người nghèo khổ. Nhiều nghi lễ lộng lẫy ở đền thờ nhưng không có tâm tình tôn giáo chân thực. Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Amos đến cảnh tỉnh cũng như lên án những bất công xã hội, những an toàn giả tạo mà người ta cậy dựa. Một loạt tố cáo những bất công trong buôn bán như tăng giá bán, làm cân giả…lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu. Một xã hội có những người xấu chuyên môn lường gạt, gian dối, lừa lọc, xảo trá và dùng nhiều thủ đoạn để vun đắp phần lợi về mình.
Ngôn sứ Hôsê cùng thời với Amos đã nhận định về tình trạng xã hội thời ấy: "Israel vốn là một cây nho sum sê, trái trăng thật dồi dào phong phú; nhưng trái trăng càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng; đất nước càng giàu sang, chúng càng dựng thêm những cột thần lộng lẫy" (Hs 10, 1).
“Đất càng phì nhiêu, tượng thần càng nhiều”, nhận định này của vị Ngôn sứ thế kỷ thứ VIII tcn vẫn đúng cho con người mọi nơi mọi thời, đặc biệt là chính sách đất đai hiện nay ở Việt Nam đã tạo quá nhiều thuận lợi cho tham nhũng trục lợi và bất công tràn lan.Điều 17 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Điều 1 Luật đất đai năm 1993 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”.Việc Nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai mà chỉ thừa nhận một hình thức duy nhất là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” là nguồn gốc đẻ ra khủng hoảng thị trường bất động sản và hàng loạt các khủng hoảng kinh tế, văn hóa, bất công xã hội.
Các Ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo, những người chỉ nghĩ đến tiền bạc lợi lộc.
Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm mua địa vị chức tước; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos đã nghiêm khắc cảnh cáo họ: Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người nghèo khó và muốn hủy diệt hết những người bần cùng trong cả nước. Các ngươi giảm đấu đong, tăng giá bán và làm nên những chiếc cân non. Các ngươi lấy tiền mua người nghèo khó, lấy đôi dép mà đổi lấy người túng thiếu. Các ngươi bán lúa mục nát. Thế nhưng, Thiên Chúa sẽ không quên lãng và những hình phạt khủng khiếp sẽ được giáng xuống trên các ngươi.
Trong Cựu Ước, giàu có thịnh vượng thường được xem như một sự chúc lành của Thiên Chúa. Nhưng dân Ítraen lại suy nghĩ theo cách của các dân ngoại chung quanh, họ coi sự thịnh vượng của mình là ơn lành của các sức mạnh thiên nhiên mà dân ngoại tôn thờ như những thần linh, thần mưa, thần gió, thần đất. Cho nên vật chất càng phát triển họ càng sùng bái ngẫu tượng nhiều hơn. Đó là một sự phản bội không thể tha thứ: "Chúng là thứ người lòng một dạ hai, rồi đây chúng sẽ phải đền tội" (Hs 10, 2). Thiên Chúa đã kết ước với họ nhưng họ đã thất trung bội tín, lòng họ đã bị phân rẽ. Thay vì tôn thờ một mình Thiên Chúa, nghe theo lời Người dạy bảo và trông cậy vào một mình Người, họ lại chạy theo những thần linh giả dối. Ngôn sứ Hôsê mạnh mẽ cảnh cáo Ítraen: "Rồi đây chúng sẽ phải đền tội; bàn thờ của chúng, Đức Chúa sẽ đập tan, cột thờ của chúng, Người cũng sẽ phá đổ" (Hs 10, 2). Cái gì giả trá thì vẫn là giả trá. Đặt tin tưởng vào nó, tất chẳng thể bền. Rồi đây Ítraen sẽ thấy các thần tượng mình sụp đổ, "bấy giờ họ sẽ nói với núi đồi: 'Phủ lấp chúng tôi đi!' và với gò nổng: 'Hãy đổ xuống trên chúng tôi!'" (Hs 10, 8).
Chính kinh nghiệm cho thấy rằng của cải giàu sang thường đưa người ta đi xa Chúa. Sự sung túc mang tới cho người ta nhiều thứ có khả năng cạnh tranh với Thiên Chúa, và thậm chí thay thế Thiên Chúa, ví dụ như địa vị, quyền thế, danh vọng, tình yêu, tiện nghi, lạc thú. Tục ngữ ta đã chẳng nói "có tiền mua tiên cũng được" hay "đồng bạc đâm toạc tờ giấy" đó sao? Của cải làm cho người chiếm hữu nó có cảm thức mãnh liệt rằng mình "toàn năng", muốn gì cũng được! (Cố Lm Nguyễn Hồng Giáo).
Nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay sẽ thấy, người ta thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng của họ và khi đó làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có, càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.
Cùng một tiếng chuông cảnh tỉnh của các Ngôn sứ, Chúa Giêsu đã dạy: Các con không thể làm tôi hai chủ, vì nếu mến chủ này thì sẽ ghét chủ kia. Cũng vậy, các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.
Chúa Giêsu không phi bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Ngài chỉ nhắc nhở thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo phê phán những người giàu trong việc sử dụng tiền của.
Tiền của tự nó không xấu. Xấu hay tốt là tuỳ ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, coi đó như tất cả cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để cố chiếm hữu thật nhiều; thậm chí bán rẻ cả lương tri và phẩm giá con người. Tiền của trở nên thần tượng và chiếm chỗ độc tôn trong lòng người. Ngài kết án những người vì đồng tiền mà sống bất công, lừa thầy phản bạn, coi thường mạng sống và nhân phẩm người khác. Ngài còn phê phán chỉ trích những người giàu sang chỉ biết cậy dựa vào tiền bạc và sống ích kỷ hưởng thụ.
Tiền của là phương tiện tốt nếu được dùng để làm điều thiện, giúp đỡ người thiếu thốn, phục vụ khoa học vì những mục đích tốt. Chỉ có cách đó mới làm cho người ta không làm tôi của cải. Lòng tham lam, việc tích trữ của cải là mối nguy hiểm lớn cản trở con đường tìm kiếm Nước Trời và đưa con người xa rời Thiên Chúa. Người thanh niên giàu có được mời gọi bán tất cả của cải tài sản để đi theo Chúa, nhưng anh ta buồn rầu bỏ đi vì có nhiều của cải. Chúa Giêsu cảnh tỉnh: Người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Vì thế không lạ gì thái độ cương quyết của Chúa Giêsu là đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát: Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của.
Chúa Giêsu luôn đứng về phía người nghèo và bênh vực kẻ cô thế cô thân. Ngài sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo. Ngài chọn các môn đệ giữa số những người nghèo. Ngài hằng quan tâm, yêu thương vỗ về những người nghèo và tuyên bố mối phúc đầu trong bát phúc: “Phúc cho những người nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Lc 6,20; Mt 5,3). Yêu người nghèo, nhưng Chúa Giêsu không hề kết án người giàu và tẩy chay sự giàu có. Ngài ân cần tiếp đón và đối thoại với người giàu, sẵn sàng đến dùng bữa với họ khi được mời; Ngài để cho những phụ nữ giàu có đi theo giúp đỡ trong hành trình sứ vụ. Tuy nhiên, Ngài nặng lời chỉ trích những người giàu chỉ biết bám víu vào tiền của, sống ich kỷ hưởng thụ bỏ mặc người nghèo đói cơ cực (x. Lc 16,19-31), làm giàu cách bất lương, ỷ vào tiền của mà khinh dễ kẻ khác.
Ưu tiên hàng đầu của người môn đệ Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa. Mọi sự khác cũng cần thiết nhưng không được đặt lên trên Nước Thiên Chúa. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đây là vấn đề giá trị khi chọn lựa. Thế gian thường lấy của cải vật chất làm ưu tiên số một và cho rằng của cải giàu sang sẽ giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và của con người. Con cái của Chúa sẵn sàng từ bỏ tất cả để tìm kiếm Chúa và phụng sự một mình Chúa. Có Chúa là có tất cả; khi không còn gì nhưng còn có Chúa là còn tất cả vì Ngài là lẽ sống. Khi đã chọn Chúa, ắt sẽ biết sử dụng tiền của và tất cả những gì Chúa ban để phụng sự Ngài và Giáo hội qua việc phục vụ anh em đồng loại. Sống theo ưu tiên đó, người Kitô hữu sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì tiền của, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Ngài mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.
Tiền của cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho bao băng hoại, tráo trở trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình, hư đốn trong bản thân. Thánh Phaolô khuyến cáo “Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tm 6,10). Khi con người đã quá đề cao và bám víu vào tiền của, coi nó là vạn năng, là tất cả cuộc sống thì sẽ trở thành nô lệ cho nó.
Thiên Chúa ban cho con người tiền của chóng qua để sống, thăng tiến, phát triển, phục vụ…Giá trị của tiền tài hệ tại con người biết sử dụng cách đúng đắn như phương tiện phục vụ anh em, đặc biệt người nghèo khổ, để đạt tới Nước Trời là hạnh phúc đích thực.
Tiền của là phương tiện để chia sẻ với tha nhân, trong bài đọc 2, thánh Phaolô viết cho Timôthêô: “Những người giàu, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,17-18). Đó chính là lời nhắc nhở để hôm nay chúng ta biết đồng cảm với những người nghèo khó, chia sẻ tình thương với họ và tránh xa lòng ganh tỵ, oán hờn tranh chấp, nhưng biết xây dựng hòa bình.
Tiền của chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Tiền của giàu sang nơi trần gian chỉ là tạm bợ, không thể tạo hạnh phúc đích thực cho con người; ngược lại nó làm con người vong thân khi bị nó chiếm hữu, và lúc ấy nó sẽ là chủ nhân ông và con người sẽ biến thành tôi tớ. Vậy nếu ở đời này, con người biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, họ sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.
Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.
Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.