Sức mạnh của đồng tiền
Am 8,4-7; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13

Có lẽ, trong cuộc sống, tiền là từ mà mỗi ngày chúng ta nói nhiều nhất. Ngày nào chúng ta cũng nói đến tiền. Vì thế, có người định nghĩa: “Con người là con vật miệng luôn kêu tiền tiền.”
Sự kiện này cho thấy tiền bạc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, người ta nói rằng: “Có tiền mua tiên cũng được.” Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về thói đời: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi.”

Quả thế, tiền bạc có một sức mạnh kinh khủng và là một trong những phương tiện giúp chúng ta sống xứng đáng với nhân phẩm, sống có ý nghĩa và hạnh phúc. Tuy nhiên, tiền bạc cũng có thể là thứ cám dỗ lớn nhất khiến nhiều người làm mọi cách, bằng mọi giá để sao có nhiều tiền, bất chấp luân thường đạo lý.

Để hướng dẫn chúng ta có một thái độ đúng đắn đối với tiền của, Chúa Giêsu hôm nay kể dụ ngôn về viên quản lý bất trung. Đây là một dụ ngôn hay nhưng lại khó giải thích. Có lẽ cái hay là cái khó, mà cái khó mới ló cái khôn. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng dụ ngôn này là một “crux interpretum” – thập giá để giải thích. Chúng ta cố gắng giải thích dụ ngôn về viên quản lý để hiểu sứ điệp Lời Chúa hôm nay.

Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?” Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua.” Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả.” Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.” Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.”

Nghe chuyện này, có lẽ mọi người đều đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Nguyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì ông biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ. Câu chuyện này giúp ta hiểu dụ ngôn trong Tin Mừng.

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu văn hóa của Do Thái về việc quản lý. Người quản lý thời đó không được trả lương, nhưng được chủ giao quyền để quản lý tài sản. Nếu ông không quản lý cách ngay thẳng hoặc thua lỗ, thì chủ có thể sa thải ông.

Chúa Giêsu nói đến trường hợp này, người quản lý có vấn đề nên chủ tính sẽ truất phế ông. Ông bắt đầu gọi con nợ đến viết lại biên lai, để sau này người ta rước ông về.

Chúa Giêsu không khuyên chúng ta học sự lưu manh và lừa lọc của ông ta, nhưng học nơi ông là biết khôn ngoan tận dụng mọi hoàn cảnh, biết dùng tiền của để xây dựng các mối tương quan bạn bè và nhất là để tìm kiếm hạnh phúc đời đời.

Qua đó, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta bài học phải biết sử dụng của cải. Việc sử dụng của cải có ba mức độ:

1- Biết sinh lợi

Mức độ thứ nhất là biết sinh lợi những gì Chúa ban. Của cải Chúa ban là một hồng ân. Nếu Chúa ban cho chúng ta có của cải thì chúng ta phải biết sinh lời nó. Dụ ngôn về những nén bạc Chúa giao cũng ám chỉ điều đó. Phải làm sinh lời của cải để có thể làm giàu cho gia đình, xã hội. Dùng tiền bạc để tạo nên việc làm, phát triển nghề nghiệp, mang lại lợi tức cho đời. Chúng ta hãy làm giàu cách công chính trước mặt Thiên Chúa.

2- Biết xây dựng

Mức độ thứ hai là biết dùng tiền của để xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn, nhân bản hơn. Bởi lẽ, người ta nói: có tiền là chuyện kinh tế, nhưng tiêu tiền là chuyện của văn hóa. Nghĩa là biết dùng tiền của để sống cho có tình có nghĩa.

Có người tiền nhiều nhưng chỉ bỏ trong ngân hàng, trong khi cha mẹ già bệnh tật đau yếu mà không bao giờ giúp đỡ.

Có người túi tiền đầy, nhưng tấm lòng thì hẹp và đóng lại trước những nỗi đau của người khác.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết dùng tiền của để đầu tư cho con cái, đào tạo thế hệ trẻ và phát triển các tài năng.

3- Để vào Nước Trời

Mức độ thứ ba cao hơn là dùng tiền của mua Nước Trời.

Triết gia Gariel Marcel phân biệt hai phạm trù: có và là. Chữ “có” bao gồm của cải, sức khỏe và tài năng. Tất cả những điều này là phương tiện để giúp chúng ta sống chữ “là,” nên người hơn, nên thánh thiện hơn. Nghĩa là dùng tiền của để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Không tôn thờ tiền bạc, vì nó là tên đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu. Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nếu chúng ta coi tiền bạc là trên hết, khi đó bậc thang giá trị bị đảo lộn, các giá trị đạo đức, luân lý và nhân phẩm trở thành thứ yếu. Chúng ta có thể đánh đổi tất cả để có tiền. Khi đó, tiền bạc trở thành thảm họa cho chúng ta.

Chúa Giêsu cảnh báo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Khi có tiền của, chúng ta biết chia sẻ với người nghèo khổ, giúp đỡ những ai gặp khó khăn túng thiếu. Sống bác ái và chia sẻ những gì mình có với người khác là con đường dẫn chúng ta vào Nước Trời. Như Chúa dạy, khi Ta đói các người cho ăn, khi Ta khát các ngươi cho uống... Hãy vào mà hưởng niềm vui với chủ ngươi (Mt 25,25-30).

Cho nên, hãy dùng của cải để sống cho có tình nghĩa, nhân ái và tìm kiếm hạnh phúc thiên đàng mai sau. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/